Bánh trung thu là loại bánh không thể thiếu trong các gia đình vào dịp Tết Đoàn Viên. Những chiếc bánh tròn đầy với hương thơm ngọt ngào sẽ là món quà đầy ý nghĩa cho người thân, bạn bè. Trong bài viết dưới đây, Cửa hàng Hương Việt sẽ chia sẻ đến bạn ý nghĩa và cách làm bánh trung thu truyền thống.
I. Ý nghĩa của bánh trung thu đối với người dân Việt Nam
Bánh trung thu không đơn thuần là món ăn vào những dịp Tết đoàn viên mà còn có rất nhiều ý nghĩa đối với người dân Việt Nam. Những chiếc bánh trung thu tròn tượng trưng cho hình ảnh vầng trăng đầy, đại diện cho mong muốn về một cuộc sống viên mãn, đủ đầy. Những bánh trung thu vuông lại tượng trưng cho ước muốn về sự tự do và hạnh phúc.
Chính vì vậy, việc tặng bánh cho người thân, bạn bè đã trở thành một nét đẹp văn hóa của người dân Việt Nam trong mỗi độ trăng rằm tháng 8 thay cho những lời chúc chân thành của người gửi tới người nhận về một mùa đoàn viên ấm áp, hạnh phúc sum vầy.
II. So sánh điểm khác biệt giữa bánh trung thu truyền thống và bánh trung thu hiện đại
1. Bánh trung thu truyền thống
Nhân bánh trung thu truyền thống cũng vô cùng đơn giản, được làm từ những nguyên liệu dễ tìm như lạp xưởng, thịt nạc, mỡ đường, hạt bí, hạt lạc, trứng muối, đậu xanh, hạt sen… Bên cạnh đó, mỗi nhà lại có các công thức làm bánh trung thu truyền thống khác nhau nên hương vị của mỗi chiếc bánh là khác nhau.
2. Bánh trung thu hiện đại
Khác với bánh trung thu truyền thống, bánh trung thu hiện đại có rất nhiều loại như bánh trung thu mặn, bánh trung thu chay, bánh trung thu rau câu…với những kiểu dáng lạ mắt nhằm đáp ứng tốt các nhu cầu khác nhau của người tiêu dùng.
III. Hướng dẫn cách làm bánh trung thu truyền thống đơn giản tại nhà
Cách làm bánh trung thu truyền thống không quá phức tạp nhưng để có một cái bánh thơm ngon thì người thợ cần tỉ mỉ, kỹ lưỡng từ khâu chọn nguyên liệu đến quy trình làm bánh. Dưới đây là nguyên liệu và cách làm cho 10 chiếc bánh trung thu to 150g hay 12 chiếc bánh 100g gồm 6 chiếc bánh nướng và 6 chiếc bánh dẻo.
1. Chuẩn bị nguyên liệu
- Phần nhân thập cẩm: 120g mứt bí, 120 mứt sen, 120g mứt sen, 120g hạt dưa, 120g hạt điều, 120g vừng trắng, 120g thịt xá xíu, 120g lạp xưởng, 100g mỡ đường và lá chanh.
- Phần nước sốt trộn nhân: 50g đường xay, 50g mật ngô, 50g nước lọc, 50g bột nếp rang chín, 10ml dầu mè, 1 thìa hắc xì dầu và 20ml rượu mai quế lộ. Nếu không có rượu mai quế lộ thì có thể thay thế bằng rượu trắng.
- Phần vỏ bánh nướng: Trộn đều các nguyên liệu sau và để 4 tiếng trước khi làm bánh: 100g nước đường đã nấu, 25ml dầu ăn, ¼ thìa baking soda, ½ thìa nước tro tàu, 200g bột mì và 1 lòng đỏ trứng gà.
- Phần vỏ bánh dẻo: 100g nước đường đã nấu, 25ml dầu ăn, 1 chén nước cốt chanh, 1 chén nước hoa bưởi và 250g bột nếp rang.
2. Các bước làm bánh
Bước 1: Làm phần nhân bánh
- Cho tất cả những nguyên liệu đã chuẩn bị sẵn vào một tô lớn và trộn thật đều. Sau đó, tiếp tục cho phần nước trộn nhân đã chuẩn bị vào tô nguyên liệu đã trộn.
- Rắc đều bột mì lên phần nhân bánh cho đến khi các nguyên liệu kết dính với nhau và tạo thành một khối. Sau đó, bạn vo nhân bánh thành từng viên thật tròn và chặt.
Bước 2: Làm phần vỏ bánh
Đối với loại bánh nướng:
- Cho nước đường đã nấu và baking soda vào bột mì rồi trộn đều với nhau. Sau đó, bạn ủ bột nghỉ trong 30 phút.
- Sau khi quá trình ủ bột hoàn tất, lấy bột đã ủ ra và chia thành số lượng bánh sẽ định làm sau đó nặn thành từng viên bột tròn và chặt tay. Với số lượng nguyên liệu đã chuẩn thì có thể chia thành 5 bánh 150g hoặc 6 bánh 100g tùy theo khuôn bánh.
Đối với loại bánh dẻo:
- Hòa nước đường với dầu ăn, nước hoa bưởi và nước cốt chanh đã chuẩn bị. Sau đó, cho 200g bột nếp đã rang vào bát trộn đều sao cho bột tan đều, không bị vón cục. Chú ý nên giữ lại khoảng 50g bột để làm lớp bột áo.
- Ủ bột khoảng 30 phút cho để bột có thời gian nghỉ. Sau khi đủ thời gian, lấy bột ra cà nặn thành những viên nhân tròn, chặt.
Bước 3: Đóng khuôn bánh
- Rắc một lớp bột mỏng hoặc bôi một lớp dầu ăn vào khuôn bánh để bánh không bị dính. Sau đó, từ những viên bột vỏ bánh đã nặn, bạn cán mỏng ra với độ dài khoảng 2 – 3 mm và cho nhân vào giữa rồi bọc lại.
- Vê tròn những vỏ bánh để vỏ ôm khít nhân. Lăn bánh qua một lớp bột mỏng rồi đặt vào khuôn, nén chặt để bánh chắc và hoa văn sắc nét hơn.
Bước 4: Nướng bánh
Đối với loại bánh nướng:
- Sau khi đã tạo khuôn bánh, bạn tiến hành gỡ từng chiếc bánh ra khỏi khuôn và xếp chúng vào khay nướng. Sau đó, quét lên bề mặt một lớp hỗn hợp trứng để bánh có màu nâu vàng đẹp mắt. Hỗn hợp trứng gồm: 1 ít nước lọc, 1 lòng đỏ trứng và ít nước màu đã khuấy đều.
- Trước khi nướng bánh, bạn cần làm nóng lò nướng trước 15 phút ở mức nhiệt độ 185 độ C. Sau khi lò đã nóng, cho khay bánh vào ngăn giữa lò nướng. Cứ 5 phút sẽ lấy bánh ra xịt nước một lần, đây gọi là thao tác phun sương trong quá trình làm bánh trung thu truyền thống. Để 2 – 3 phút lại dùng chổi quét lên bánh một lớp màu và cho khay vào lò nướng thêm 6 phút.
- Sau 6 phút, bạn tiếp tục lấy bánh ra để phun sương và quét mặt bánh thêm 1 lần nữa. Sau đó cho khuôn bánh vào lò nướng thêm khoảng 6 phút để bánh chín.
Đối với loại bánh dẻo:
Sau 6 – 8 tiếng, gỡ bánh ra khoản khuôn để cho mặt bánh se và khô lại. Vậy là bạn đã có những chiếc bánh dẻo thơm ngon, đẹp mắt.
IV. Top 12 loại bánh trung thu nướng truyền thống thơm ngon
1. Bánh trung thu nhân đậu xanh
Bánh trung thu nhân đậu xanh có mùi thơm ngọt ngào của đậu xanh kết hợp với lớp vỏ mềm giòn dễ ăn. Ngoài loại nhân truyền thống đậu xanh trứng muối thì bạn cũng có thể kết hợp đậu xanh với sầu riêng, phô mai hoặc lá dứa để món bánh thêm hấp dẫn, lạ miệng.
2. Bánh trung thu nhân thập cẩm
Bánh trung thu nhân thập cẩm có mùi thơm của hoa bưởi, vị ngọt thanh vừa đủ giúp ăn vào không ngấy. Loại bánh này được làm từ những nguyên liệu đơn giản như lạp xưởng, lạc, vừng, thịt nạc… nên được khá nhiều người yêu thích lựa chọn.
3. Bánh trung thu nhân dừa
Loại bánh này có lớp vỏ vàng nâu bao bọc với lớp nhân sữa dừa béo ngậy, dẻo giòn hòa quyện cùng vị mằn mặn của trứng muối tạo nên hương vị thơm ngon khó cưỡng. Ngoài ra, cách làm bánh trung thu nhân dừa cũng tương đối đơn giản nên được khá nhiều bạn lựa chọn để tự làm tặng người thân, bạn bè.
4. Bánh trung thu nhân khoai môn
Bánh trung thu nướng nhân khoai môn là sự hòa quyện giữa vị bùi ngọt của khoai môn cùng vị mặn vừa ăn của trứng muối, thêm lớp vỏ bánh mềm thơm mùi bơ đậu phộng. Do vậy, bánh trung thu nướng nhân khoai môn sẽ phù hợp với những bạn thích ăn khoai môn.
5. Bánh trung thu nhân trà xanh
Loại bánh này có chút đắng nhẹ của trà xanh hòa quyện với lớp vỏ ngọt bùi giúp cho bánh trở nên hấp dẫn, đỡ ngán khi ăn hơn. Không những vậy, trà xanh còn được biết đến là một thực phẩm rất tốt cho sức khỏe nên nếu bạn chưa có bất kỳ ý tưởng nào cho bánh trung thu năm nay thì có thể lựa chọn loại bánh này.
6. Bánh trung thu nhân cà phê
Bánh trung thu nhân cà phê có mùi thơm ngọt của vỏ bánh kết hợp với nhân cà phê đắng nhẹ giúp món bánh trở nên mới lạ, đậm đà hơn. Nếu bạn thích mùi vị cà phê thì đây là một chiếc bánh rất phù hợp với bạn.
7. Bánh trung thu nhân hạt sen
Đối với những ai yêu thích bánh trung thu ngọt thì bánh nướng nhân hạt sen sẽ là lựa chọn phù hợp. Hạt sen có vị thanh mát, ăn vào rất tốt cho sức khỏe kết hợp với vỏ bánh mềm và dai tạo nên một chiếc bánh trung thu vừa tinh tế vừa thơm ngon.
8. Bánh trung thu nhân đậu đỏ
Bên cạnh nhân đậu xanh truyền thống thì bánh nướng nhân đậu đỏ cũng là lựa chọn phù hợp. Nguyên liệu để làm nhân bánh nướng đậu đỏ đơn giản, bao gồm đậu đỏ, dầu ăn, bột mì, rượu, đường trắng, dầu mè…
9. Bánh trung thu nhân mè đen
Bánh trung thu mè đen có vỏ bánh vàng nâu, mềm mịn bao bọc lấy lớp nhân có sự kết hợp hài hòa giữa mè đen và trứng muối tạo nên một hương vị thơm ngon, hấp dẫn. Không những vậy, loại bánh này có chứa nhiều mè đen nên rất tốt cho sức khỏe.
10. Bánh trung thu nhân gà quay
Bánh trung thu nướng nhân gà quay là sản phẩm được biến tấu từ bánh trung thu thập cẩm truyền thống kết hợp với thịt gà xé sợi. Sợi thịt gà được tẩm ướp gia vị vừa ăn kết hợp với nguyên liệu khác tạo nên mùi vị thơm ngon.
11. Bánh trung thu nhân kim sa
Bánh trung thu nhân kim sa là món quà độc đáo mà bạn có thể lựa chọn để dành tặng cho người thân, bạn bè. Bởi lẽ khi cắt loại này này, bạn sẽ phải bất ngờ bởi phần nhân vàng, sáng mịn đang chảy ra tựa như hạt kim sa (hạt cát).
12. Bánh trung thu nhân trân châu đường đen
Bánh trung thu trân châu đường đen là sản phẩm mang tính sáng tạo, đột phá khi được giao thoa giữa truyền thống, hiện đại. Bánh vẫn có lớp vỏ vàng nâu mềm mại nhưng nhân bên trong là sốt thơm ngậy mùi kem sữa với trân châu dai dai.
V. Các thương hiệu bánh trung thu truyền thống được ưa chuộng hiện nay
1. Bánh trung thu của Bảo Phương Hà Nội
Bảo Phương ra đời từ những năm 1954 và là thương hiệu bánh trung thu truyền thống nổi tiếng ở Hà Nội. Vào những dịp tết đoàn viên, bạn sẽ thấy nhiều người chọn mua bánh trung thu để làm quà cho người thân, bạn bè.
2. Bánh trung thu của Đông Phương Hải Phòng
Đông Phương không chỉ là thương hiệu quen thuộc của người dân Hải Phòng mà nó còn nổi tiếng gần xa bởi hương vị thơm ngon. Vậy nên bạn có thể cân nhắc chọn mua bánh trung tại đây để làm quà cho bạn bè, gia đình.
3. Bánh trung thu của Đồng Khánh Sài Gòn
Bánh trung thu Đồng Khánh chính hãng thương hiệu Bông Lúa Vàng là một thương hiệu bánh khá nổi tiếng và lâu đời tại Sài Gòn. Đến nay, thương hiệu này đã có 71 năm kinh nghiệm trong việc sản xuất ra những chiếc bánh trung thu không thể thiếu trong dịp tết đoàn viên của mỗi gia đình Việt.
4. Bánh trung thu của Đại Phát Đà Nẵng
Đây cũng là thương hiệu được nhiều khách hàng ưa chuộng hiện nay. Bánh trung thu thơm ngon được sắp xếp và đóng gói trong những vỏ hộp tinh tế, sang trọng sẽ là món quà phù hợp cho ngày tết đoàn viên.
Bài viết trên đây đã tổng hợp toàn bộ các thông tin liên quan đến bánh trung thu cũng như cách làm bánh trung thu truyền thống. Cửa hàng Hương Việt hi vọng rằng bạn có thể lựa chọn cho mình những chiếc bánh thơm ngon để có một mùa đoàn viên hạnh phúc, ấm áp bên gia đình, bạn bè.